Dịch vụ

Quý khách sẽ không còn mệt mỏi vì đi bộ leo núi. Cáp treo sẽ mang đến cho Quý khách cảm giác mạnh mà vẫn an toàn
Đây là sản phẩm thay thế, được xây dựng nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vận chuyển khách tham quan

VỀ TÂY NINH MÙA HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG (2019-08-24 13:27:55)

Tây Ninh được biết đến là vùng đất có rất nhiều tiềm năng về du lịch với các danh lam, thắng cảnh; Du khách đến đây không chỉ bị cuốn hút bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình làm đắm say lòng người của núi Bà Đen được mệnh danh là nóc nhà miền Đông Nam Bộ, sông Vàm Cỏ Đông với nguồn thơ bất tận, hồ Dầu Tiếng thơ mộng với vẻ đẹp hoang sơ,… mà còn được tham gia trải nghiệm những lễ hội vô cùng đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, trong đó nổi bật là Tòa Thánh Tây Ninh.

Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, được khánh thành vào năm 1955 và trở thành một kiệt tác kiến trúc tôn giáo có một không hai của Việt Nam chính nhờ những dấu ấn, đường nét kiến trúc thể hiện trên công trình này. Đặc biệt, công trình có sự giao thoa, hòa quyện một cách kì lạ và độc đáo giữa nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, và cũng thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa của nhiều loại hình tôn giáo khác nhau trên thế giới, cụ thể là sự ảnh hưởng của Phật giáo, Kitô giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Hồi giáo và cả Ấn Độ giáo...

Nhìn tổng thể, Tòa Thánh mang dáng dấp của một nhà thờ Thiên Chúa giáo nhưng hệ thống các cây cột lớn chạm rồng, cùng với mái ngói, đầu đao... lại mang dáng dấp của kiến trúc đình chùa Việt Nam. Mặt khác, trên nóc Tòa Thánh, phía trước có tượng Phật ngự tòa sen, chính giữa có Nghinh Phong Đài với mái vòm theo kiểu thánh đường Hồi giáo, phía cuối lại có tháp Bát Quái Đài cao ba tầng, 8 cạnh theo mô hình bát quái của đạo Lão. Bên trong nội thất, gian chính giữa gọi là Cửu Trùng Đài với nền nhà được chia thành 9 bậc, cao dần vào phía chánh điện, thể hiện rõ quan niệm phân chia đẳng cấp trong xã hội của Nho giáo. Trên ngôi chánh điện có một quả cầu lớn tượng trưng cho “Càn Khôn”. Trên quả cầu có khắc họa hình con mắt trái rất lớn gọi là “Thiên nhãn”, xung quanh trang trí hình mây vờn, cùng hơn 3.000 ngôi sao tượng trưng cho các vì tinh tú và vũ trụ.

Khuôn viên nội ô Tòa Thánh Tây Ninh rộng 1 km vuông có hàng rào bao bọc xung quanh với 12 cửa tam quan xây dựng theo 3 dạng kiến trúc khác nhau; Trong nội ô có gần 100 công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ khác nhau, kết hợp với khu rừng thiên nhiên rộng lớn, sum suê với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng không gian tĩnh lặng, khoáng đãng tạo nên không khí linh thiêng, an nhiên, trong lành góp phần thu hút hàng triệu tín đồ Cao Đài ở khắp thế giới và trở thành một trong những điểm tham quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với nhiều du khách mỗi khi đến với Tây Ninh.

Về Tây Ninh mùa Hội Yến Diêu Trì Cung

Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một trong hai đại lễ đặc biệt quan trọng của Hội thánh Tây Ninh hằng năm, được tổ chức vào dịp rằm tháng 8. Lễ hội mang ý nghĩa người hữu hình thiết tiệc đãi người vô hình, nơi hội tụ những bộ não thông minh trong cảnh thanh tịnh để có những phát minh mới phụng sự nhân loại xây dựng một thế giới công bằng, bác ái; Ngoài ra, đây là thông điệp xác định cho nhân loại biết rằng ngoài thế giới mà nhân loại đang sống còn một thế giới huyền bí mà chúng ta không thể thấy nhưng có thể cảm nhận được nếu ta hữu tâm và có thể đến được nếu có ý chí, tuy vậy cả hai thế giới đều có chung một mục đích duy nhất là “Tốt đời đẹp đạo”.

Phần lễ theo truyền thống của đạo, được cúng vào đêm 15 âm lịch, kéo dài từ chiều đến mười hai giờ đêm với nhiều hoạt động như rước cộ tiên của Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, tiếp theo là múa Rồng nhang, Ngọc kỳ lân, Quy, Phụng,... Trong đó múa Rồng nhang là một nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh.

Lễ hội đã trở thành ngày hội văn hóa truyền thống của người dân vùng Tây Ninh và các tỉnh Nam Bộ, chứa đựng nhiều giá trị đạo đức không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có ý nghĩa tích cực hướng con người đến giá trị “Chân thiện mỹ” trong cuộc sống; Trong những ngày diễn ra lễ hội có hàng trăm ngàn tín đồ Cao Đài và du khách thập phương về Tòa Thánh Tây Ninh tham dự, sau đó là tham quan những danh lam, di sản, thắng cảnh nổi tiếng còn lại của quê hương Tây Ninh.

Về Tây Ninh vào dịp Rằm tháng 8, có một điểm đến khác mà du khách không thể nào bỏ qua trong dịp này đó là chùa Điện Bà – Núi Bà Đen thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng với huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu hay sự tích núi Bà Đen đã tồn tại trên 300 năm qua; Nơi đây hằng năm có rất nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó phải kể đến là “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu”, lễ hội này vừa qua đã vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia; Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng mặt bằng sân Chùa Bà sau khi được đầu tư mở rộng thêm khoảng 6.000 m2 đã trở nên thoáng đãng hơn, khang trang hơn và đẹp hơn, đây là một điểm nhấn về mặt kiến trúc kết hợp hài hòa với hệ thống Chùa Bà đã tạo nên phong cảnh trang nghiêm, tuyệt đỉnh giữa núi rừng bao la, hùng vĩ.

Trong dịp tết Trung Thu năm nay, Chùa Bà Đen sẽ tổ chức múa Mâm vàng tại Điện Bà vào ngày 18/8 âm lịch để dâng lên những món quà đầy ý nghĩa thay thế cho tấm lòng thành của người con Phật cho Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu để cầu bình an cho bá tánh nhân sinh, cầu cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, đất nước phồn vinh.

Có thể nói về Tây Ninh mùa Hội Yến Diêu Trì Cung, ngoài việc du khách được trải nghiệm một trong những lễ hội đặc sắc bậc nhất, mang đậm hồn văn hóa dân tộc mà còn tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt, sự hồi sinh mạnh mẽ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, trong việc phát huy tiềm năng của ngành công nghiệp không khói, đưa du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn bằng những công trình, dịch vụ du lịch đẳng cấp, chất lượng mang dấu ấn vượt thời gian đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng trước tiên tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Hãy đến khám phá vùng đất Tây Ninh, nơi địa đầu biên giới phía Tây Nam của tổ quốc để cho mình những trải nghiệm quý báu./.

Nguyễn Thanh Tuấn (TCT)